Thiên Môn Đông – thần dược với công dụng quý Bổ phế, Thanh nhiệt

Thiên Môn Đông luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!

Thông Tin Dược Liệu

Tên tiếng Việt: Thiên môn, Dây tóc tiên, Co sin sương (Thái), Sùa sú tùng (Hmông), Mè mằn, Mằn săm (Tày), Dù mác siam (Dao)

Tên khoa học: Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.

Họ: Asparagaceae (Thiên môn)

1. Đặc điểm dược liệu

Thiên môn đông là loài thực vật dạng bụi leo, sống nhiều năm, cây có chiều cao trung bình từ 1.2 – 1.5m. Cành hình trụ, có gai cong và mọc xoắn vào nhau, tạo thành từng bụi dày. Các cành nhỏ của cây biến đổi thành lá có đầu nhọn và hình lưỡi liềm, được gọi là diệp chi. Một số lá tiêu biến thành các vảy nhỏ.

Rễ củ, thường mọc thành chùm và có hình thoi. Hoa mọc thành cụm, màu trắng, mỗi cụm thường có khoảng 1 – 2 hoa. Cây ra hoa vào tháng 3 – 5 và sai quả vào tháng 6 – 9 hằng năm. Quả hình cầu và bên trong chứa hạt màu đen.

2. Bộ phận dùng

Rễ củ của cây thiên môn thường được thu hái để làm thuốc. Chỉ dùng củ rễ cứng, mịn, mặp, chắc và  bên ngoài màu trắng vàng.

3. Phân bố

Loài thực vật này mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Trung và một số đảo như Côn Đảo, Phú Quốc,… Hiện nay thiên môn đông còn được trồng ở nhiều địa phương khác để làm cảnh, hàng rào và làm thuốc chữa bệnh.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hoạch rễ vào tháng 10 – 12 hằng năm (chỉ thu hái rễ của cây đủ 2 năm tuổi). Sau khi đào rễ lên, cắt bỏ rễ con và rửa sạch đất cát. Sau đó tẩm nước lên cho mềm, đồ chín, bóc vỏ và rút bỏ lõi. Cuối cùng thái nhỏ rễ, đem phơi hoặc sấy khô.

Hoặc có thể sơ chế thiên môn theo các cách sau:

  • Rửa sạch, bỏ lõi, ủ cho mềm, sau đó thái phiến và phơi khô.
  • Rửa sạch, bỏ lõi, thái phiến và đem phơi khô, dùng dần.
  • Cạo bỏ vỏ ngoài, sau đó rút bỏ lõi, đồ chín, phơi cho khô, tẩm rượu qua 1 đêm, tiếp tục đồ và phơi khô hoàn toàn.

5. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo và ít độ ẩm bởi dược liệu này dễ bị ẩm mốc và hư hại.

Công dụng và Liều dùng

1. Tính vị

Vị ngọt, đắng, tính hàn, không có độc. Tuy theo ghi chép của Bản Kinh, thiên môn đông lại có vị đắng và tính bình.

2. Thành phần hóa học

Thiên môn đông chứa một số thành phần hóa học như beta-sitosterol 5, 5-methoxymethyl furfural, yamogenin, xylose, glucose, sarsasapogenin, asparagine, proline, alanine, valine, tyrosine, methionine, sucrose, acid amin, rhamnose,…

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông y

  • Tác dụng: Lợi tiểu tiện, khu hàn nhiệt, khử nhiệt trúng phong, dưỡng cơ bì, nhuận ngũ tạng, bổ ngũ lao, thất thương, thông thận khí, ích bì phu,…
  • Chủ trị: Suy nhược ở người cao tuổi, mắt mờ, người gầy ốm, hen suyễn, ho ra máu, lao phổi, ho lao, điếc, phế nuy gây nôn ra mủ,…

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

  • Tác dụng ức chế khối u: Thiên môn đông có tác dụng ức chế tế bào bạch cầu ở chuột nhắt thực nghiệm bị viêm hạt hạch bạch huyết cấp và mãn tính.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ dược liệu có tác dụng ức chế phế cầu khuẩn, trực khuẩn bạch cầu, tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu khuẩn nhóm A và B.
  • Dược liệu có tác dụng diệt ấu trùng muỗi và ruồi.
  • Ngoài ra nước sắc từ thiên môn còn có tác dụng cường tráng, lợi tiểu, giảm ho và thông tiện.

4. Cách dùng – liều lượng

Thiên môn đông được dùng ở dạng thuốc sắc, hoàn, thuốc bột hoặc dạng cao lỏng. Liều dùng trung bình từ 6 – 12g/ ngày.

Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu

1. Bài thuốc trị da mặt nám và sạm đen

  • Chuẩn bị: Thiên môn (dạng bột mịn) và mật ong.
  • Thực hiện: Dùng dược liệu trộn với mật ong làm thành viên. Mỗi ngày, dùng 1 viên hòa với nước để rửa mặt hoặc xát nhẹ trực tiếp lên da.

2. Bài thuốc trị phong nhiệt, khát, hư lao và chứng phế nuy

  • Chuẩn bị: Thiên môn (bỏ vỏ và bỏ lõi).
  • Thực hiện: Đem dược liệu nấu chín, sau đó ăn trực tiếp. Hoặc dùng dược liệu phơi khô, tán thành bột mịn, luyện cùng với mật ong và làm thành viên. Mỗi lần dùng 20 viên uống cùng với nước trà.

3. Bài thuốc trị buồn phiền, mồ hôi trộm, miệng khô, khát, bứt rứt trong người

  • Chuẩn bị: Miết giáp, sài hồ, bạch thược, ngũ vị tử, thiên môn, thanh hao, mạch môn, ngưu tất và địa cốt bì, các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

4. Bài thuốc trị đau nhức cơ thể do hư lao

  • Chuẩn bị: Một lượng thiên môn đông vừa đủ.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 thìa uống cùng với rượu. Ngày dùng 3 lần cho đến khi khỏi.

5. Bài thuốc trị chứng phế nuy, tim nóng, miệng khô, ho và khạc ra nhiều đờm

  • Chuẩn bị: Rượu 7 chén, mạch nha 1 chén, thiên môn (sống) một lượng vừa đủ, tử uyển 160g.
  • Thực hiện: Đem thiên môm vắt lấy 7 chén nước cốt, sau đó dùng nước cốt nấu với các nguyên liệu còn lại làm thành cao. Mỗi lần dùng một thìa to bằng quả táo, ngày dùng 3 lần.

6. Bài thuốc trị chứng lở miệng và lưỡi

  • Chuẩn bị: Huyền sâm, mạch môn và thiên môn đông (bỏ lõi) mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Ngày sắc 1 thang, chia thành 3 lần dùng và uống sau khi ăn 1 giờ.

7. Bài thuốc trị chảy máu cam và nôn ra máu

  • Chuẩn bị: Sinh địa và thiên môn đông mỗi thứ 30g.
  • Thực hiện: Sắc ngày dùng 1 thang, sử dụng hằng ngày cho đến khi khỏi bệnh.

Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh

Khi dùng dược liệu thiên môn đông để bồi bổ sức khỏe và chữa trị, bạn nên lưu ý những thông tin sau:

  • Không dùng cho người có đàm ẩm nhưng không có hư hỏa.
  • Khi dùng dược liệu này, cần hạn chế ăn cá chép, cá chầy và cá trắm.
  • Không sử dược dược liệu cho người có tỳ vị hư hàn.

Lời kết

Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !

Lưu ý

  1. Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
  2. Người bệnh không tự ý áp dụng
  3. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng

Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo

Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

 

Bài viết Thiên Môn Đông – thần dược với công dụng quý Bổ phế, Thanh nhiệt đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Medplus.vn.



source https://songkhoe.medplus.vn/thien-mon-dong-than-duoc-voi-cong-dung-quy-bo-phe-thanh-nhiet/

Nhận xét